Trước khi thực hiện sáp nhập, có thể gọi vùng trên bản đồ là là “Đông Nam Bộ +1”, bởi Long An – dù không chính thức thuộc Đông Nam Bộ – vẫn luôn được xem là một phần gắn kết về kinh tế và hạ tầng. Cả 7 tỉnh, thành trong vùng gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu đều nổi bật với thế mạnh phát triển công nghiệp.
Trong đó, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An từ lâu đã được biết đến là những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp. Các tỉnh còn lại như Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu tuy không có nhiều về số lượng, nhưng lại sở hữu những khu công nghiệp quy mô hàng đầu. Tiêu biểu, Khu công nghiệp Becamex Bình Phước hiện là KCN lớn nhất Việt Nam với diện tích 2.448 ha; KCN Phước Đông (Tây Ninh) đứng thứ hai với 2.190 ha; KCN Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) rộng 1.556 ha và KCN Phú Mỹ 3 có quy mô 1.050 ha cũng đều nằm trong nhóm các khu công nghiệp lớn nhất vùng.
Sau sáp nhập, toàn vùng Đông Nam Bộ mở rộng ghi nhận tổng cộng 124 khu công nghiệp đang hoạt động, với tổng quy mô gần 50.000 ha – khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, giá trị của khu vực này không chỉ dừng lại ở những con số cộng dồn. Điểm nhấn chiến lược trong tương lai sẽ là sự kết nối đồng bộ giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển, cảng hàng không thông qua mạng lưới đường vành đai hiện đại. Chính sự liên kết này mới tạo nên sức mạnh của các tuyến Vành đai và sức bật thực sự cho bất động sản công nghiệp, thay vì chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu “dự án sát vành đai” hay “căn hộ cạnh vành đai” như được nhắc đến hiện nay.




Chi tiết thống kê về số lượng và quy mô các khu công nghiệp trước và sau sáp nhập đã được tổng hợp đầy đủ. Danh sách toàn bộ 124 khu công nghiệp đang hoạt động sẽ được trình bày trong báo cáo chuyên sâu về thực trạng phát triển công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ mở rộng.