Việc sắp xếp lại các tỉnh, thành phố đặt ra câu hỏi lớn: Giá bất động sản sẽ biến động như thế nào? Một cách để trả lời là phân tích xu hướng giá đất tại các khu vực vùng ven TP.HCM giáp ranh với các tỉnh lân cận.
Trước đó, Biggee đã thống kê mức giá đất tại các huyện/thành phố giáp ranh với TP.HCM. Trong thống kê lần này, chúng tôi sẽ tập trung vào các khu vực vùng ven ngay trong TP.HCM nhưng tiếp giáp với các tỉnh khác.

Dữ liệu cho thấy, giá đất ở các khu vực này có thể chia thành ba nhóm chính:
Nhóm giá thấp – Có mức giá tương đương với các huyện giáp ranh TP.HCM, điển hình là Bình Chánh và Củ Chi. Giá đất thổ cư tại đây dao động từ 20 – 40 triệu đồng/m², ngang bằng với các khu vực Đức Hòa, Bến Lức thuộc tỉnh Long An.

Nhóm giá trung bình – Dù nằm xa trung tâm, nhưng đã có mật độ dân cư đông, đáp ứng nhu cầu ở thực. Giá đất dao động từ 40 – 80 triệu đồng/m², phổ biến tại Hóc Môn, Quận 12, Nhà Bè.
Nhóm giá cao – Dù không gần trung tâm, nhưng giá đất tại đây đã ở mức cao, trên 100 triệu đồng/m², thậm chí có nơi lên tới 200 triệu đồng/m². Điểm chung của các khu vực này là có hạ tầng kết nối tốt (như vùng ven Quận 9), vị trí trung tâm hành chính (Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái – Quận 2) hoặc nằm trong khu vực có các vùng đệm phát triển mạnh (Thủ Đức, Quận 7).
Dù cùng thuộc TP.HCM, nhưng giá đất giữa các khu vực có sự chênh lệch rất lớn, tùy thuộc vào quy hoạch và hạ tầng. Điều này thể hiện rõ qua trường hợp TP. Thủ Đức, dù đã được thành lập hơn 4 năm nhưng thị trường bất động sản vẫn phát triển không đồng đều. Do đó, chỉ riêng việc sáp nhập địa phương không thể làm giá bất động sản tăng mạnh. Sự phát triển bền vững vẫn cần đến những yếu tố cốt lõi như quy hoạch bài bản và hạ tầng đồng bộ.