“Công nghệ 4.0“, “trí tuệ nhân tạo” xuất hiện khắp mọi nơi, được nhắc đến trong mọi lĩnh vực: marketing, bán hàng, quản trị nhân sự, tài chính ngân hàng…, gần đây là trong lĩnh vực bất động sản.
Nhân việc Viblo.asia có một bài viết rất hay về AI “Xin Đừng Ngáo AI“, Biggee.vn xin chia sẻ thêm một số quan điểm về việc ứng dụng các khái niệm này trong lĩnh vực bất động sản.
Có hay không “công nghệ 4.0”?
Hiện không có định nghĩa chính thức cho khái niệm “công nghệ 4.0“. Khái niệm này xuất hiện khi chủ đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trở nên phổ biến ở Việt Nam, trong đó nền tảng công nghệ hỗ trợ là một trong 4 mục tiêu.
Từ đó “công nghệ 4.0” được hiểu là nền tảng công nghệ mới nhất, sẽ bùng nổ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm: dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và vạn vật kết nối (IoT).
Điều này dễ dẫn đến nhầm tưởng “công nghệ 4.0” là công nghệ hoàn toàn mới mẻ, siêu phàm, kế thừa từ “công nghệ 3.0” đã nhàm chán.
Thực ra, các công nghệ kể trên đã có từ lâu và thuộc một nhánh nghiên cứu khác chứ không phải làm một nền tảng công nghệ mới. Một số ứng dụng chúng ta sử dụng hàng ngày đã ứng dụng các công nghệ kể trên:
- Photoshop: khi Computer Vision dần trở nên phổ biến trong ứng dụng nhận dạng vật thể thì Photoshop – ứng dụng gần 30 tuổi đã có thể làm được những thứ tương tự. Theo Alberto (chủ nhân ứng dụng DeepNude) thì phần mềm này cũng giống như Photoshop bởi cả nó hoàn toàn có thể tạo ra kết quả giống DeepNude chỉ sau nửa tiếng và vài hướng dẫn trên Youtube.
- Shazam: được phát triển bởi Shazam Entertainment Ltd năm 1999, có thể xác định nhạc, phim, quảng cáo và chương trình truyền hình, dựa trên một mẫu ngắn được phát và sử dụng micrô trên thiết bị.
- CamScanner: ứng dụng có từ 2006 cho phép tạo các file tài liệu từ camera của điện thoại, có cả chức năng nhận dạng chữ viết (OCR – Optical Character Recognition).
Tất cả các ứng dụng trên đều dựa trên nền tảng Big Data và Deep Learning nhưng không hề có mác công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo.
Từ đó có thể thấy: không hề có “công nghệ 4.0“, đó chỉ là một mỹ từ để marketing. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra hiệu ứng tích cực là các doanh nghiệp dần ý thức hơn việc ứng dụng công nghệ để tối ưu các quy trình kinh doanh.
Anh Ninh Gia Hạnh – CEO My X Team từng chia sẻ trên Shark Tank:
Những năm đầu làm ra tôi đi bán không ai mua bởi vì lúc đó không có ai nói về công nghệ. Nhưng giữa 2017-2018 đất nước chúng ta cứ nói 4.0 và giai đoạn đầu năm đến giờ tôi bán cực dễ bởi lúc này thị trường đang ở trong giai đoạn mở ra.
Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực Bất động sản
Để ứng dụng AI hoạt động thì điều kiện tiên quyết là phải có dữ liệu training và các mô hình training, evaluate dựa vào thuật toán của Machine Leaning (ML)/ Deep Learning (DL).
Theo tác giả bài viết “Xin Đừng Ngáo AI” thì việc code mô hình training, evaluate chỉ chiếm 5% – 10% khối lượng công việc. Hiện tại, đã có rất nhiều library, API hỗ trợ việc training, evaluate các mô hình.
Trong lĩnh vực bất động sản, tính minh bạch của thông tin luôn là chủ đề được nhắc lại nhiều lần và hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Không quá để nói rằng, đơn vị nào thành công trong việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chính xác thì đơn vị đó sẽ đi tiên phong trong trị trường bất động sản. Lúc này, không cần ứng dụng các thuật toán ML/DL rắc rối, chỉ cần code các dòng lệnh đơn giản, sử dụng các công thức thống kê sum, median, average… các vấn đề tồn đọng trên thị trường bất động sản sẽ được giải quyết.
Theo thống kê của JLL, Lasalle về minh bạch BĐS châu Á – Thái Bình Dương, hiện Việt Nam đang đứng thứ 61 về chỉ số minh bạch BĐS, xếp hạng cao nhất trong nhóm “Kém minh bạch” và đang ở ngưỡng quá độ lên nhóm “Bán minh bạch”.
Trí tuệ nhân tạo không phải là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là cho thị trường bất động sản. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu bất động sản minh bạch, khách quan, có tính lịch sử mới thực sự có ý nghĩa cho thị trường bất động sản hiện nay.
[…] “Công nghệ 4.0” từ khái niệm đến thực tiễn […]